Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTCó một “gia đình viết văn”

Có một “gia đình viết văn”

CAND – Phải đến lúc nhà văn Nguyễn Như Phong “chơi lớn” khi tổ chức buổi lễ ra mắt tuyển tập tác phẩm đồ sộ của 3 thế hệ trong gia đình thì nhiều người mới ngỡ ngàng khi biết rằng ông ngoại, bố đẻ và cậu ruột của nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân) đều là những cây bút có dấu ấn trong nền văn học Việt Nam.

1. Có mặt tại sảnh sang trọng của một khách sạn lớn của Hà Nội vào trung tuần tháng 4-2021, tôi và nhiều nhà văn, nhà báo, khách mời đều có chung cảm giác ngỡ ngàng, bất ngờ thú vị khi được chứng kiến những bộ sách đồ sộ của đại gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong. Đó là tuyển tập 14 cuốn của nhà văn Nguyễn Như Phong gồm 1 tập bút ký chính trị, 2 tập phóng sự và 11 cuốn tiểu thuyết; bộ tuyển tập tác phẩm gồm 3 cuốn của nhà văn, thầy thuốc Nguyễn Tử Siêu; 1 tuyển tập của nhà văn, nhà báo Hoài An và 1 tuyển tập của nhà văn Nguyễn Thiên Lương.

Cầm trên tay tuyển tập Nguyễn Như Phong, độc giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm vang danh một thời của nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong như bài ký “Mỏ cá Sáng Phình” – tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi bút ký của Báo Văn nghệ; bài ký “Nơi ngã ba biên giới” viết về cuộc hành trình đi bộ hàng trăm km từ thị xã Lai Châu lên tận bản Tả Khó Khừ (Mường Tè, Lai Châu) vào năm 1984 của nhà báo Như Phong khi còn là phóng viên Báo CAND… Ngoài ra, còn là những bài phóng sự nóng hổi khi tác giả cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều sang tận Trung Đông, tường thuật lại cuộc chiến tại Afghanistan năm 2002. Độc giả còn được thưởng thức hàng loạt tiểu thuyết hình sự hấp dẫn, đã được dựng thành phim như “Cổ cồn trắng”, “Chạy án”, “Bí mật Tam giác vàng”…

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Tử Siêu, nhà văn Hoài An và nhà văn Nguyễn Thiên Lương.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên là Phó Tổng Biên tập Báo CAND, nguyên Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới, khởi nghiệp văn chương bằng những truyện ngắn trên Báo Văn nghệ từ năm 1978 khi còn là anh lính công binh làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Năm 1980 ông bắt đầu viết báo ở Báo Công binh của Bộ Tư lệnh công binh. Năm 1982, ông chuyển về Báo CAND, Bộ Công an sau đó chuyển sang làm Chuyên đề An ninh thế giới. Chỉ với riêng tờ báo này, ông đã gặt hái được nhiều thành công với những loạt phóng sự cực kỳ ăn khách về các vụ án hình sự như vụ án Vũ Xuân Trường – Xiêng Phênh, vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh, vụ hai tử tù vượt ngục… Năm 2010, ông xin về hưu sớm và làm Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới.

Với Nguyễn Như Phong, khó có thể khẳng định rằng ông là nhà văn hay nhà báo, bởi đọc các bài báo của ông thấy có “văn”, đặc biệt là thể loại phóng sự và đọc tiểu thuyết của ông lại thấy có chất “báo” bởi thông tin ngồn ngộn. Nói ông là “nhà báo viết văn” cũng đúng mà bảo là “nhà văn viết báo” cũng không sai.

Như nhiều người nhận xét và cũng chính nhà văn Nguyễn Như Phong thú nhận, niềm ham đi, ham viết của ông được bắt nguồn từ cha mình, nhà văn – nhà báo Hoài An.

2. Nhà văn Nguyễn Hoài An (1925-2001) quê ở thôn Bài Lâm Thượng, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8-1945. Năm 1952, là phóng viên bản tin Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308). Tháng 4-1954, ông được cấp trên điều động về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đến tháng 6-1958. Sau đó, ông chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, làm Trưởng Ban Văn xuôi của Báo Văn nghệ. Thời chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, khi tuổi đã cao, ông Hoài An vẫn cùng anh em văn, nghệ sĩ có mặt ở chiến tuyến Lạng Sơn để thu thập tư liệu sáng tác.

Theo nhà văn, nhà biên kịch Võ Khắc Nghiêm, nhà văn Hoài An có lối kể chuyện chân thật, dí dỏm, phong lưu với hàng loạt chi tiết tỉ mẩn có khi dông dài mà rất thú vị. Văn chương Hoài An cũng vạm vỡ như sức vóc con người ông và cũng phong lưu như cuộc sống “quý tộc nghèo”, thích ăn sang mặc đẹp, thích sự sâu lắng của bậc quân tử, sẵn sàng bảo vệ cái đúng, cái đẹp đến cùng.

Phóng sự, bút ký của Hoài An ngồn ngộn sự kiện, giàu thông tin nhưng luôn đậm chất văn chương. Ông ít miêu tả mà cứ đủng đỉnh vừa kể chuyện, vừa khám phá, rồi bất ngờ buông một vài nhận xét gần như đúc kết kinh nghiệm sống, bài học về làm ăn, một sự thán phục nào đó giữa mênh mông thảo nguyên, núi rừng Tây Bắc hay sự cần cù, sáng tạo phi thường của người ven con sông nhiều huyền thoại. Có những bút ký như “Tủa Chùa – miền đất lạ”, ông đã miêu tả vùng đất nghèo xơ xác này như một bức tranh thủy mặc… Và thế là có những cô giáo dưới xuôi, vì đọc bút ký của ông, sinh mê những cành đào, những đỉnh núi ngập mây, những tấm váy người Mông sặc sỡ mà xung phong lên dạy học. Rồi những bút ký “Đồng cỏ Mộc Châu”, “Bông Nà Sản”, “Rừng mơ sông Bôi”… đều là những bút ký thấm đẫm chất văn.

Khi đang công tác tại Báo Văn nghệ, nhà văn Hoài An có lần tâm sự với bạn bè rằng ông rất mừng khi nghe vợ kể trong số 5 đứa con thì “cu” Như Phong rất chịu khó đọc sách và có khả năng nối nghiệp truyền thống văn chương của gia đình. Sau đó nhà văn Hoài An “gửi gắm” chàng thanh niên Như Phong xuống vùng mỏ Quảng Ninh để theo các chú học viết…

Còn theo nhà văn Nguyễn Như Phong nhớ lại, thời điểm ông đang là bộ đội công binh, chiến đấu tại chiến trường Lào đã viết một vài truyện ngắn gửi về Báo Văn nghệ. Cha ông mặc dù là Trưởng Ban Văn xuôi của Báo Văn nghệ song không đọc mà chuyển cho biên tập viên khác rồi dặn: “Nếu đạt chất lượng thì hãy đăng, còn không thì… vứt thẳng cánh”.

Nhà văn Nguyễn Như Phong tại lễ ra mắt tuyển tập đại gia đình.

Sau khi đăng được một vài truyện ngắn, ông Hoài An mới dặn con rằng: “Đã là thằng nhà văn, nhà báo thì phải chăm đi, phải đến những chỗ mà càng ít người đặt chân đến càng tốt. Như thế mới mong có được tác phẩm hay”. Và, đó cũng gần như trở thành tiêu chí làm nghề của nhà văn – nhà báo Nguyễn Như Phong sau này.

3. Ông ngoại của nhà văn Nguyễn Như Phong, bố vợ của nhà văn Hoài An là cụ Nguyễn Tử Siêu cũng là một cây viết tiểu thuyết lịch sử xuất sắc vào cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế kỷ trước. Từ năm 1928-1936 ông viết khoảng 10 cuốn tiểu thuyết lịch sử có giá trị như “Tiếng sấm đêm đông”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Vua Bố Cái”, “Trần Nguyên chiến kỷ”, “Vua Bà Triệu”, “Mai Hắc Đế và Lý Nam Đế”…

Có thể nói, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Tử Siêu thấm nhuần ý thức và cảm hứng dân tộc, thể hiện tấm lòng kiên trung với đất nước, với lịch sử dân tộc.

Trong lời nói đầu “Tiếng sấm đêm đông”, ông tâm sự: “Vì có ông Dương Đình Nghệ mới đuổi bỏ được quân Hán, lấy lại được Giao Châu, mà cứu thoát dân ta khỏi vòng nước lửa. Vì có ông Ngô Vương Quyền mà mới giết được đứa bán nước là Kiều Công Tiễn, đánh một trận ở Bạch Đằng, làm cho tiệt quân Hán, mà gây nền độc lập cho đời sau… Ôi lẫm liệt thay cái anh hùng của hai ông, to tát thay cái công đức của hai ông, thật không khác một tiếng sấm giữa đêm đông, làm cho tan hết khí âm hiu hắt, mà thu hồi lấy cái ngày xuân đầm ấm cho nước tổ Việt Nam ta vậy. Bỉ nhân nay thấy sự tích của hai ông trong sử chép rất là giản lược, e quốc dân ta thấy giản lược mà nhãng quên. Vậy không hiển thô lậu, soạn thành cuốn tiểu thuyết mà hằng nhớ đến hai vị cứu quốc anh hùng ấy chăng? Nếu quả được như thế, thời đối với sự học, đối với sự quan cảm, cuốn tiểu thuyết này tưởng cũng không đến nỗi toàn là vô ích vậy”.

Những lời tâm sự của ông đã bộc lộ nhiệt huyết của một nhà văn có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Quả thật, những cuốn tiểu thuyết lịch sử của ông xuất bản thời điểm đó đã gây được tiếng vang lớn trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ và làm cho bọn thực dân tức tối. Và, sau đó ông đã bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành đồng thời quản thúc ở nguyên quán.

Trong thời gian bị quản thúc, ông vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm nghề Đông y và viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông y mang bút danh Nguyễn An Nhân, đó là những tác phẩm y, dược học quý. Tiêu biểu như các bộ: “Y học tùng thư”, “Sách thuốc trẻ em”, “Sách thuốc phụ nữ”, “Châm cứu sơ bộ thực hành” và các sách dịch như “Hoàng đế nội kinh”, “Ngoại cảm thông trị”, “Khôn hóa Thái chân”, “Tân châm cứu học”… đã được nhiều người tìm đọc và áp dụng, sau này đã trở thành những lương y có tài năng, có tiếng tăm. Cuốn “Tử Siêu y thoại” là tác phẩm cuối cùng của tác giả.

Nhà văn Nguyễn Thiên Lương là thứ nam của nhà văn, lương y Nguyễn Tử Siêu. Ông đi giao liên từ năm 14 tuổi, năm 1954 được điều lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ) với chức vụ Tiểu đội trưởng bộ binh Tiểu đội I, Đại đội 261, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.

Nhà văn Thiên Lương nổi tiếng với những cuốn sách viết cho thiếu nhi về các loài thú rừng trên mảnh đất cao nguyên kỳ vĩ. Chỉ riêng viết về các loài thú trong các khu rừng già, dưới chân núi Chư Yang Sin, Chư Mơ Lanh, Chư Pông. Langbian, Bidoup… của Tây Nguyên hùng vĩ, ông đã có hẳn bộ sách 3 tập “Thú rừng Tây Nguyên”.

Không chỉ lứa học trò đội mũ rơm đến trường trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mà cho đến ngày nay, nhiều bạn đọc nhỏ tuổi và nhiều tuổi vẫn say mê đọc ông, như khám phá những khu vườn cổ tích nhiều bí ẩn và mê hoặc. Có lẽ vì thế, bộ sách đồ sộ “Thú rừng Tây Nguyên” đã tái bản hơn chục lần. Riêng cuốn “Chim Tây Nguyên” được phát hành với số lượng lớn mà thời nay ít ai mơ tới: 61 nghìn bản.

4. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: “Cuộc ra mắt sách hôm nay đặc biệt, cho thấy dòng dõi, sự di truyền nhưng không phải di truyền bằng máu, mà di truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi muốn rằng, dân tộc Việt Nam có thể đánh mất nhiều thứ nhưng phải giữ được gene di truyền văn hóa, vì con người, vì sự yêu thương, vì sự chân chính như ông cha ta đã làm. Có giai đoạn, cá nhân tôi hoang mang về sự di truyền có thể bị chặt đứt bởi chủ nghĩa vật chất. Nhưng, hôm nay, sự ra mắt tuyển tập và thái độ của bạn đọc cho thấy sự hoang mang và sợ hãi của tôi đã sai lầm. Mạch ngầm từ trong nền văn hóa dân tộc vẫn được duy trì và mỗi gia đình, như gia đình cụ Nguyễn Tử Siêu, đã, đang và sẽ làm điều đó”.

Minh Tiến

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments