Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TT“Câu chuyện dòng sông” và cuộc đối thoại với thiên nhiên

“Câu chuyện dòng sông” và cuộc đối thoại với thiên nhiên

GD&TĐ – Triển lãm gây quỹ cho người nghèo phục hồi sau thiên tai kể câu chuyện đầy thú vị về những dòng sông. Nhưng đúng hơn đó là một cuộc đối thoại, để tìm ra cách ứng xử của chúng ta với mẹ thiên nhiên. 

“Vợ chồng Trâu Đèn” của Lê Đình Nguyên.

“Vợ chồng Trâu Đèn” của Lê Đình Nguyên.

Thay vì diễn ra trực tiếp tại bảo tàng hoặc phòng tranh, vì dịch Covid-19 nên triển lãm “Câu chuyện dòng sông” được tổ chức trực tuyến qua nền tảng nghệ thuật 3D.

Điều này giúp công chúng có thể thưởng thức nghệ thuật dễ dàng và an toàn hơn, cũng như lan toả tình yêu hội họa – thiên nhiên.

Nghệ thuật vì cộng đồng

Triển lãm trực tuyến “Câu chuyện dòng sông” trưng bày hơn 20 tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế – những người đã luôn hào phóng và tích cực trong các họat động vì cộng đồng.

Các họa sĩ góp mặt trong triển lãm, gồm: Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Văn Thể, Phạm Bình Chương, Ngô Bình Nhi, Phương Bình, Nguyễn Thế Hùng, Hùng Rô, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thắng, Trung Liêm, Nicolaos D. Kanellos, Hadi Soesanto…

Trong số các tác phẩm được đánh giá cao có những sáng tạo của Kanellos, cựu Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam. Những bức tranh của anh thể hiện tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam. Kanellos, người đã vẽ trong thời gian làm việc tại Việt Nam, đã dành thời gian khám phá và nắm bắt vẻ đẹp, văn hóa, lối sống và di sản của đất nước.

Năm 2017, anh đã giới thiệu 12 bức tranh trong bộ sưu tập của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Tôi muốn những bức tranh của mình thể hiện được cảm xúc thật của tôi”.

20 tác phẩm nghệ thuật là 20 câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ hội họa, tạo hình. Những dòng sông, con chim, trâu đèn, phố mưa, khuôn mặt người… hiện ra. Công chúng có thể bắt gặp những nghịch lý đến từ những tác phẩm này, nhưng từ những tác phẩm lại “mở” ra một liên hệ khác.

Tất cả mọi dòng chảy, con người, động vật đều cần đến sông. Sông đem lại sự sống, nhưng con người đã đối xử ra sao với dòng sông của mình? Hút cát, rác thải, ô nhiễm… khiến những dòng sông dần chết đi.

Chúng ta nuối tiếc, muốn cứu vãn nhưng không thể chống lại chính những hành động mà con người từng gieo rắc. Dòng sông cần sự thuần khiết, giống như tâm hồn con người cần sự bình an.

Những nghệ sĩ tham gia triển lãm “Câu chuyện dòng sông” nuôi hi vọng, thông qua dự án có thể tác động và nâng cao nhận thức con người. Khi nào con người hiểu để không phá rừng, hạn chế hút cát ở sông, chúng ta sẽ bảo vệ được những mạch nước ngầm, giữ được đất. Người dân nghèo cần cả cộng đồng chung tay để gìn giữ hệ sinh thái bền vững hơn.

Nước là máu của sự sống

Tác phẩm “Biển chiều” của Phạm Bình Chương.

Theo ban tổ chức triển lãm, từ ngày 22 đến hết tháng 7, các phiên đấu giá trong khuôn khổ triển lãm “Câu chuyện dòng sông” sẽ được tổ chức trên trang mạng xã hội của nhà sáng lập “Sống Foundation Jang Kều”, nhằm gây quỹ vòng hạt giống cho các hoạt động của “River Ơi” trong thời gian tới.

Đây không phải là lần đầu tiên quỹ Sống gây quỹ cho các chương trình phát triển bền vững thông qua việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Từ năm 2013 đến nay, hơn 20 chương trình đấu giá gây quỹ thiện nguyện và biểu diễn nghệ thuật được tổ chức thành công, để khởi động các chương trình Nhà chống lũ và Hạnh phúc xanh.

Chị Hương Giang – nhà sáng lập quỹ Sống cho biết, có ý tưởng chương trình từ tháng 5/2016 – khi miền Tây hạn hán, nhiễm mặn nghiêm trọng. Người dân đối mặt với cảnh cây cối chết khô, gia súc gầy mòn vì thiếu lương thực.

Lúc đó, chị khởi xướng dự án “Chảy đi sông ơi” để hỗ trợ cho cuộc sống người nghèo miền Tây phục hồi sau thiên tai.

Tên triển lãm được “River Ơi” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Siddartha” (1922) của Hermann Hesse (1877 – 1962), mà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch, với tên tiếng Việt là “Câu chuyện dòng sông”.

Trong câu chuyện này, nhờ dòng sông khai sáng, Siddhartha đã quyết định trở thành người lái đò, chở khách sang sông. Khi lắng nghe dòng sông, Siddhartha nhận thấy đây chính là sự sống, chứa đựng hàng vạn âm thanh, sự vẹn nguyên trong vô lượng và vô ngã.

Chính bởi thế, dòng sông cần phải chảy qua mọi thác ghềnh, mọi cửa bể, mọi địa hình, trải qua hết thảy những đau thương, vui thú, dục lạc, bi ai…

Ý niệm của “Câu chuyện dòng sông” rất phù hợp với liên tưởng về “River Ơi” – một chương trình thúc đẩy sáng tạo, sáng kiến và đối thoại về phát triển bền vững thông qua nghệ thuật, công nghệ và giáo dục.

Website triển lãm sử dụng công nghệ 3D – thực tế ảo. Khán giả có thể quan sát tác phẩm nghệ thuật từ phòng này sang phòng khác, click trực tiếp lên bức ảnh để dừng chân ngắm tranh ở nhiều góc độ, hoặc rẽ trái – phải xem các tác phẩm khác.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn thế giới, xu hướng triển lãm nghệ thuật 3D trực tuyến được nhiều phòng tranh trong nước và thế giới hưởng ứng.

Những triển lãm online đã không còn là ý tưởng xa lạ với cộng đồng nghệ thuật thế giới. “Câu chuyện dòng sông” không chỉ là món ăn tinh thần cho những ngày giãn cách, mà còn để lại nhiều thông điệp ý nghĩa về trách nhiệm xã hội đối với thiên nhiên và giữa con người với nhau.

“Câu chuyện dòng sông” không hạn chế ở một triển lãm hay ý tưởng gây quỹ. Đó là một cuộc đối thoại nghiêm túc giữa con người với thiên nhiên. Thiên nhiên là mẹ, là kho báu nuôi dưỡng con người. Hãy chung tay bảo vệ mẹ thiên nhiên, bảo vệ những dòng sông đang chảy bởi một điều đơn giản – nước là máu của sự sống.

TRẦN HÒA

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments