Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTChàng trai vẽ họa tiết cung đình Huế lên giày

Chàng trai vẽ họa tiết cung đình Huế lên giày

KIÊN GIANG – Từ những đôi giày bình thường, Quốc Bảo dành 30-40 tiếng để trang trí thêm các họa tiết mang phong cách cung đình Huế và bán với giá từ 7 đến 12 triệu đồng.

La Quốc Bảo, 23 tuổi, từng là sinh viên ngành thiết kế kiến trúc của Đại học Monash, Melbourne, Australia. Chàng trai quê Kiên Giang là chủ nhân của những đôi giày với họa tiết hoa văn triều Nguyễn và bộ sưu tập trang phục, đồ thêu xưa. Hiện anh đang chuyên sâu vào phát triển các sản phẩm ứng dụng văn hóa và sưu tầm trao đổi cổ vật.

Năm 19 tuổi, Bảo bắt đầu vẽ hoa văn cổ trên giày, nhưng hai năm sau mới dùng họa tiết cung đình Huế bởi có cảm hứng từ chuyến thăm quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, Đồng Tháp và một bức hình màu của công chúa Mỹ Lương – Nguyễn Phúc Tốn Tùy vận lễ phục Nhật Bình.

Ảnh trên là một đôi giày được vẽ họa tiết truyền thống lấy cảm hứng từ Nhật Bình của Đức Từ Cung, thân mẫu của hoàng đế Bảo Đại thuộc triều đại nhà Nguyễn.

Nhật Bình vốn là lễ phục của các nữ nhân cao quý triều Nguyễn, có 2 dải cổ áo kéo dài tạo thành hình chữ nhật bắt mắt, tình cờ trùng với phom dáng của đôi giày cổ cao. Bảo đã dành 3-4 ngày nghiên cứu, thử nhiều lớp trang trí khác nhau, cuối cùng đã trích được hoa văn cổ áo trên y phục Nhật Bình và giản lược phù để hợp với diện tích giày thể hiện. Đây cũng chính là đôi giày đầu tiên Bảo vẽ hoạt tiết cung đình Huế, cách đây 3 năm.

“Ban đầu tôi chỉ thử nghiệm cho vui, không ngờ lại được hưởng ứng nhiệt tình sau khi đăng lên trang cá nhân”, chàng trai 24 tuổi chia sẻ. Đôi giày này anh mất 4 ngày vẽ vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Hiện nó vẫn được giữ làm kỷ niệm.

Để thực hiện những họa tiết cung đình trên giày hiện đại, Bảo dàn thử thiết kế mẫu giày 3D trên máy tính và cân chỉnh thích hợp trước khi vẽ lên giày thật.

Anh dùng loại giày được gia công và phân phối thông qua hãng giày trong nước, một số khách hàng có kích cỡ chân ngoại cỡ mới nhập từ nước ngoài.

Quy trình vẽ một đôi giày trải qua 5 bước. Bước một là nghiên cứu về hiện vật lấy cảm hứng, như lịch sử, bối cảnh, câu chuyện liên quan. Bước tiếp theo là chọn ra mẫu hoa văn cụ thể và sơ lược ý nghĩa của hoa văn. Tiếp đến là dựng hình 3D thử nghiệm rồi vẽ phác họa. Bước cuối là tạo hình chính thức và lên màu.

“Đưa tác phẩm lên giày, tôi muốn giữ những họa tiết đặc trưng nhất, chỉ điều chỉnh sao cho phù hợp, thời trang”, Bảo nói.

Khi vẽ, khó khăn nhất với anh là lột tả được chất liệu gốc của hoa văn. Chẳng hạn các mẫu thêu thường được bắt viền bằng kim tuyến nổi gò lên xung quanh, khi vẽ cũng phải viền một đường màu kim tuyến rồi lặp lại nhiều lần cho đến khi đạt độ dày ưng ý.

Vì luôn thử nghiệm trước trên vải thừa nên Bảo kiểm soát được tính chất của sơn vẽ cũng như hiệu ứng đạt được cuối cùng. Trong 3 năm làm nghề, anh chưa vẽ hỏng mẫu nào.

Một đôi giày vẽ họa tiết thường mất từ 30-40 tiếng mới hoàn thành, thêm 36 tiếng đợi khô. Đôi giày để lại nhiều ấn tượng nhất với Bảo là mẫu Phụng bào.

Đây là đôi giày được chiết hoa văn từ một chiếc phụng bào dệt của một vị Trưởng công chúa triều Nguyễn được anh mua lại từ Mỹ. Sản phẩm được đưa đi triển lãm tại Expo Dubai năm 2021, khi có lời mời từ Cục quan hệ Quốc tế, Bộ Văn Hoá – Thể Thao – Du Lịch Việt Nam trong vai trò quảng bá mỹ thuật cung đình triều Nguyễn trên thiết kế thời trang hiện đại.

Từ khi bắt tay thực hiện Bảo đã vẽ được khoảng 70 đôi giày.

Mỗi đôi tùy vào số lượng họa tiết cũng như thể thức trình bày có giá dao động từ 7 đến 12 triệu đồng. Anh cũng chỉ vẽ khi có thời gian và có khách đặt hàng.

Khách hàng của Bảo đa số trong độ tuổi 20, số ít dưới 40 tuổi. Điểm chung của khách hàng là thích những sản phẩm độc bản và chứa nhiều ý nghĩa lịch sử.

“Vì gu thẩm mỹ của tôi cố định nên yêu cầu của khách hàng dù lớn hay nhỏ tuổi không có nhiều sự khác biệt”, Bảo nói.

Trong tương lai Bảo có ý định mở các workshop để phát triển nhân lực và tăng số lượng sản phẩm, nhưng chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Đôi giày trên lấy cảm hứng từ mành rồng treo trên Thái Bình Lâu, tọa lạc tại phía đông bắc Tử Cấm thành trong Hoàng thành Huế.

“Là thế hệ trẻ, tôi hiểu rằng cần phải tuyên truyền nhận thức văn hóa dân tộc. Thứ nhất là lòng tự tôn dân tộc được phát huy. Thứ hai là những di sản văn hóa được biết đến, gìn giữ và trân trọng một cách xứng đáng chứ không chết dần theo thời gian”, Bảo nói ý nghĩa việc làm của mình.

Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments