Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTNgười làm hiển lộ vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình

Người làm hiển lộ vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình

(Ảnh NGUYỄN ĐÌNH TOÁN)

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948 tại làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Chính vì thế ông còn có tên gọi khác là Người trai làng Hiếu Lễ.

Ông là một minh chứng về một vùng văn hóa đã làm lên tâm hồn và cốt cách một con người thuộc về vùng văn hóa đó. Và con người đó đã làm cho những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình hiển lộ như sự mở cánh của một bông hoa và tỏa hương thơm. Chúng ta hãy cùng nhau nghe lại những câu thơ ông viết về quê hương mình: Người đồng mình thương lắm con ơi/Cao đo nỗi buồn/Xa nuôi chí lớn/Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói/Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh/Không lo cực nhọc/Người đồng mình thô sơ da thịt/Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/Còn quê hương thì làm phong tục/Con ơi tuy thô sơ da thịt/Lên đường/Không bao giờ nhỏ bé được/Nghe con.

Năm 1968, nhà thơ Y Phương nhập ngũ, phục vụ quân đội đến năm 1981 thì chuyển về công tác tại Cao Bằng. Năm 1976-1979, ông học Trường Điện ảnh Việt Nam, rồi học khóa II (1982-1986) Trường Viết văn Nguyễn Du. Năm 1986, ông về công tác tại Sở Văn hóa, Thông tin Cao Bằng. Năm 1991, ông làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin. Từ năm 1993, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, rồi là Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng tất cả những con số đó chỉ là những cây cột mốc thông thường trên con đường cuộc đời ông. Điều làm nên tên tuổi ông và giữ ông ở lại trong ký ức chúng ta là thơ ca và nhân cách của ông.

Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhà thơ Y Phương đã để lại những tác phẩm quan trọng và những tác phẩm đó đã làm nên một vẻ đẹp riêng biệt trong thế giới thi ca tiếng Việt như Nói với con (1980), Tiếng hát tháng giêng (1986), Đàn then (1996), Chín tháng (trường ca), Đò trăng (trường ca), Vũ khúc Tày (2015), tập thơ song ngữ…

Năm 1987, nhà thơ Y Phương từng được giải A cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 với tập thơ Tiếng hát tháng giêng, Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc-Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Lời chúc, Giải B của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải B của Bộ Quốc phòng với trường ca Chín tháng (2001). Năm 2007, nhà thơ Y Phương vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật. Ông đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Năm 1993, ông rời Cao Bằng về Hà Nội sinh sống và làm việc. Những ngọn gió và những câu hát tháng giêng từ núi cao cố hương ông cũng theo ông về chốn thị thành. Những ngọn gió và những câu hát tháng giêng ấy ban ngày như bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, thổi qua tâm hồn ông làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi, và đưa ông về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Ở chốn thị thành với điều kiện sống tốt hơn, nhưng ông từng phải kêu lên trong buồn bã bởi nhớ quê nhà. Không một thứ gì có thể thay đổi con người ông, không gì có thể làm mờ đi những vẻ đẹp Tày trong những câu thơ và cả trong cuộc sống hằng ngày của ông. Và những vẻ đẹp ấy mỗi ngày lại lớn lên và bất diệt trong tâm hồn ông và trong tác phẩm ông. Văn hóa của dân tộc ông chính là hơi thở của ông, là máu chảy trong huyết quản ông, là tôn giáo của ông và là đạo sống của ông. Bởi thế mà thơ ca của ông là giọng nói của thời đại ông sống nhưng ngập tràn tinh thần văn hóa Tày huyền ảo và thẳm sâu.

Vào hồi 20 giờ ngày 9/2/2022, nhà thơ Y Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 75 tuổi. Nhưng không phải ông rời khỏi chúng ta mà ông đang hòa vào chúng ta, hòa vào đời sống, hòa vào những làn mưa ấm và chồi lộc cùng hoa thơm của những ngày tháng giêng mà ông đã từng ngợi ca bằng những câu thơ đẹp và trang trọng của mình. Cho dù đau thương, nhưng chúng ta-những người thấu hiểu thi ca của ông và đời sống của ông đã nhìn thấy con đường từ lúc ông sinh ra, lớn lên, sống, sáng tạo và dâng hiến cho nghệ thuật cũng như cho cuộc đời này. Đấy là con đường của những vẻ đẹp thi ca và vẻ đẹp của một tâm hồn rộng lớn và nhân ái.

Giờ đây, ông đã trút bỏ mọi thứ để thanh thản trở về làng Hiếu Lễ, Trùng Khánh để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ ông và để chìm đắm trong những câu hát tháng giêng thánh thiện của xứ sở mình.

NGUYỄN QUANG THIỀU

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments