Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTTình yêu nghệ thuật truyền thống luôn tuôn chảy

Tình yêu nghệ thuật truyền thống luôn tuôn chảy

NDĐT – Nhà viết kịch Lê Thế Song (trong ảnh) đang là “hiện tượng” của sân khấu truyền thống khi sở hữu cả “gia tài” kịch bản được dàn dựng.

Sinh ra từ làng Ngò, huyện Lý Nhân, nơi vốn là chiếu chèo nức tiếng đất Hà Nam từng được dân gian nhắc đến với câu “Rượu Bèo, chèo Ngò”, ngay từ nhỏ anh đã được nuôi dưỡng trong những làn điệu chèo ngọt ngào, đằm thắm. Khi trưởng thành, cơ duyên đến với nghệ thuật truyền thống đã được chắp cánh khi anh gặp gỡ, kết duyên cùng “con nhà nòi” sân khấu-nghệ sĩ Xuân Hồng, con gái nhà viết kịch Hoàng Luyện. Gần 20 năm rong ruổi cùng vợ thực hiện những dự án truyền thông nghệ thuật cộng đồng cho các tổ chức phi chính phủ trong vai trò vừa là biên kịch, đạo diễn, biên đạo ở khắp các vùng miền trên đất nước đã giúp anh làm giàu hơn vốn sống, trải nghiệm với di sản văn hóa ở từng mảnh đất đi qua, và rồi càng yêu, càng gắn bó với những làn điệu dân ca, sân khấu dân tộc.

Năm 2011, vợ chồng anh quyết định theo học bốn năm Khóa Biên kịch Kịch hát dân tộc tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tiếp đó là ba năm Thạc sĩ biên kịch. Những kỹ năng, phương pháp sáng tác chuyên nghiệp cộng với vốn văn hóa và kiến thức thực tế phong phú đã làm nên chất liệu sáng tác giàu có nơi Lê Thế Song.

Kể từ kịch bản khởi nghiệp “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng năm 2015 đến nay, nhà viết kịch Lê Thế Song đã có khoảng 45 kịch bản ở nhiều thể loại tuồng, chèo, cải lương được gần 20 đơn vị nghệ thuật trên cả nước lựa chọn dàn dựng. Bên cạnh sáng tác, anh còn rất có duyên trong chuyển thể kịch bản văn học sang kịch bản sân khấu. Lê Thế Song đang là gương mặt tác giả “đắt sô” được nhiều nhà hát “chọn mặt gửi vàng”. Điển hình như tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, trong tổng số 24 vở diễn dự thi, có tới gần 10 vở Lê Thế Song đứng tên tác giả, kịch bản.

Năm 2021, dù diễn biến dịch phức tạp tác động nặng nề tới sân khấu, anh vẫn có bốn kịch bản được dàn dựng là: “Nguyễn Văn Cừ” (Nhà hát Chèo Quân đội), “Thượng thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Cây gậy thần” (kịch bản văn học của tác giả Hoàng Luyện-Nhà hát Chèo Thái Bình), chuyển thể “Người mẹ Hà thành” (Nhà hát Chèo Hà Nội)… Nhiều vở diễn như cải lương “Dâu bể kiếp tằm”, “Kiếp tằm”; vở chèo “Giai điệu Tổ quốc”, “Gò đống mối”… do anh viết và chuyển thể đã giành được giải thưởng cao tại các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Nói về phương thức sáng tạo, tác giả Lê Thế Song cho hay nếu người viết hiện đại cứ lệ thuộc vào những trình thức, lề lối cổ của kịch hát dân tộc sẽ dễ khiến vở diễn lê thê, thiếu tính thời đại, nhưng nếu bỏ qua những lề lối này lại khiến tác phẩm sân khấu truyền thống bị kịch hóa. Vì thế, cái khó của người sáng tác là phải biết kế thừa và sáng tạo để tác phẩm vẫn giữ được nét đẹp sân khấu truyền thống mà vẫn mới mẻ, mang hơi thở cuộc sống hôm nay. “Mỗi loại hình kịch hát dân tộc có cách thể hiện khác nhau, trong đó chèo mang tính thuần Việt nhất, cải lương lại có thể tiếp thu nhiều loại hình nghệ thuật, song điểm chung là đều sử dụng ngôn ngữ biền ngẫu nên đòi hỏi người viết phải có tư duy thơ và hiểu về làn điệu của từng loại hình. Nếu cải lương có khoảng 100 làn điệu, tuồng có khoảng 60 đến 70 làn điệu thì chèo có khoảng 200 làn điệu.

Người viết phải biết được sự khác biệt giữa điệu Đào liễu, Quân tử vu dịch, Luyện năm cung… trong chèo, những điệu Lý, Vọng cổ… trong cải lương hay văn đối tỉ trong tuồng mới có thể soạn lời cho các vở diễn ở từng loại hình”-nhà viết kịch Lê Thế Song chia sẻ. Thách thức là thế nhưng anh xác định sân khấu truyền thống là duyên, cũng là nghiệp của đời mình bởi trong cuộc sống hôm nay không còn nhiều người mặn mà với kịch hát dân tộc. Đây là trăn trở, cũng là động lực để anh cố gắng đưa sân khấu truyền thống của cha ông đến gần hơn với công chúng hiện đại.

Là người viết cho sân khấu dân tộc, Lê Thế Song không cho phép mình đứng ngoài dòng chảy thời sự, nhất là trước những vấn đề lớn lao của đất nước. Đó là lý do hai năm qua, anh đã cần mẫn soạn lời cho gần 40 bài hát theo các làn điệu chèo, cải lương, quan họ với chủ đề phòng, chống dịch Covid-19. Những ca khúc như “Bắc Ninh-Bắc Giang, niềm tin chiến thắng”, “Chặn dịch kiên cường thành phố yêu thương”, “Thành phố nghĩa tình căng mình chống dịch”, “Gửi anh người lính biên phòng”, “Hãy đợi em về”, “Ngày về chiến thắng”, “Khúc hoan ca chiến thắng Corona”, “Mệnh lệnh từ trái tim”, “Tình anh người chiến sĩ”… được chia sẻ, lan tỏa bởi nhiều giọng ca nổi tiếng như NSND Tự Long, NSND Thúy Ngần, NSND Thanh Tuấn, NSND Khắc Tư, NSƯT Diệu Hằng, NSƯT Hoàng Tùng… Anh đã được trao ba giải trong Cuộc thi Bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2021; và giải A cuộc thi sáng tác đề tài phòng, chống Covid-19 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam…

Chia sẻ về kế hoạch sáng tác năm 2022, nhà viết kịch Lê Thế Song cho biết, anh đang thực hiện kịch bản về Tổng Bí thư Trường-Chinh cho Nhà hát Chèo Nam Định, về huyền tích chùa Am Vãi cho Nhà hát Chèo Bắc Giang. Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, Đoàn Cải lương Long An cũng đang đặt anh sáng tác kịch bản. Anh còn ấp ủ một số kịch bản về các di tích, danh thắng nổi tiếng của đất nước.

TRANG ANH

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments