Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCCHÍNH TRỊTháng 5 nhớ Bác, thôi thúc khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

Tháng 5 nhớ Bác, thôi thúc khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

LTS: Chương trình bàn tròn trực tuyến tháng 5 của VietNamNet vừa được tổ chức với chủ đề “Khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu”, nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2022). Chủ đề nằm trong chuỗi bàn tròn trực tuyến bàn về “Lý tưởng đưa đất nước vươn tới cường thịnh”.

Khách mời kỳ này là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp. Ông từng là Bí thư tỉnh Nghệ An- quê hương của Bác Hồ.

Chương trình đã được đăng tải theo 2 phần, phần 1: “Sánh vai với các cường quốc năm châu là khát vọng của cả dân tộc” và phần 2: “Chỗ đứng không quan trọng bằng hướng đi”.

Dưới đây là video toàn bộ chương trình, mời quý độc giả theo dõi: https://embed.vietnamnet.vn/v/0015OG.html

“Khát vọng của Bác là đại diện khát vọng của cả dân tộc. Sánh vai với các cường quốc năm châu chính là đưa dân tộc Việt Nam trở nên giàu mạnh. Tôi nghĩ, đó là tư duy vừa là dân tộc, vừa là thời đại, vừa là hiện tại, vừa là tương lai. Đó chính là tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Lê Doãn Hợp mở đầu bàn tròn.

Ông cho rằng, có những nền tảng vững chắc để vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc khởi xướng ngay khát vọng “không tưởng” khi chỉ vừa mới giành được chính quyền ít ngày, trăm ngàn khó khăn còn bủa vây.

Một dân tộc đi qua 4.000 năm lịch sử, vượt biết qua bao nhiêu chông gai, thử thách thiên tai, chống giặc ngoại xâm mà vẫn vươn lên làm chủ đất nước, giành được độc lập dân tộc; một đất nước thiên nhiên 4 mùa xanh tươi, có cả rừng và biển, tài nguyên phong phú, nếu so với Singapore, Đài Loan, Israel, tiềm năng đó là quá tốt, tại sao mình lại không làm được?

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói: “Bác tin vào một dân tộc như thế là hoàn toàn có thể làm được việc sánh vai các cường năm châu”.

“Bác đã nói một câu tôi nghĩ mãi mãi đúng: giàu thì mạnh, giàu thì dễ chủ động, giàu thì sang, nghèo thì hèn, nghèo thì yếu, nghèo thì dễ lệ thuộc. Đất nước độc lập, nhân dân tự do mà nếu vẫn đói nghèo thì độc lập tự do đó không có ý nghĩa gì hết”, ông Lê Doãn Hợp chia sẻ.

Theo ông, đến bây giờ, khát vọng đó vẫn luôn nung nấu, thôi thúc mỗi chúng ta. Chúng ta nói học theo tấm gương và đạo đức Hồ Chí Minh thì đây chính là một nội dung cần phải học tập.

Trở lại câu chuyện của hiện tại, ông Lê Doãn Hợp có góc nhìn đầy lạc quan, Việt Nam đang có thuận lợi hơn bao giờ hết để hiện thực hoá giấc mơ Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

“Thời điểm này là chín muồi”, ông khẳng định.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ mục tiêu và chỉ rõ hướng đi: Tới năm 2045, khi đất nước tròn 100 tuổi, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, là cơ hội vàng để đất nước có thể bứt phá ngoạn mục, thiết lập vị thế, vươn lên dẫn đầu. Đó là cơ hội thế kỷ. 

Khác với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cơ hội bình đẳng cho tất cả và cho phép chúng ta có thể làm được những kỳ tích, như những điều cả thế giới không tưởng tượng được về một Việt Nam nghèo khó nhưng có niềm tin lớn và đại đoàn kết, đã chiến thắng cường quốc Pháp, Mỹ. Với CMCN 4.0, người Việt sẽ làm giàu cho đất nước trên bình diện thế giới.

Ông trăn trở: “Chỗ đang đứng rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng hướng đang đi. Đi về đâu, đi bằng cái gì, đi bằng con đường nào? Đã đến lúc, Việt Nam chúng ta phải có một tư duy mới: hãy dũng cảm so mình với thế giới! Xem mình là ai? Mình đang đứng ở đâu? Và mình phải làm gì”.

Vị nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cũng thẳng thắn nói: “Ta có một tư duy truyền thống rất tốt nhưng kéo dài lại không ổn: đó là so mình với chính mình, thấy nhích lên một chút là vui. So mình ngày hôm nay với ngày hôm qua, thấy khá lên một chút là sướng. Nhưng so với sự vận động của loài người thì chúng ta đang tụt hậu. Đó là điều tôi lo lắng nhất”.

Theo ông phân tích, 77 năm trước, trong hoàn cảnh còn bao nhiêu khó khăn như thế, Bác đã khởi xướng khát vọng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Bây giờ, chúng ta thuận lợi hơn nhiều. Thế và lực của ta đã tốt hơn, nhận thức của nhân dân tốt hơn, dân trí của chúng ta đã cao hơn và đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là động lực thúc đẩy.

“Thời đại toàn cầu hoá có 5 thứ quan trọng nhất: Một là công dân toàn cầu; hai là nhân lực toàn cầu; ba là thị trường toàn cầu; bốn là ngôn ngữ toàn cầu; năm là doanh nghiệp toàn cầu. Với 5 điểm này, nếu chúng ta chớp cơ hội thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì chúng ta mới bứt phá được, đi lên được”, ông Lê Doãn Hợp đánh giá.

Trong các bước phát triển đó, muốn thành công, học tập Bác Hồ về hợp lực toàn dân là vô cùng quan trọng. Những bài học trong chiến tranh cho thấy, cả dân tộc cùng một hướng đi thì tạo ra một xung lực rất mạnh cho cả dân tộc làm nên điều kỳ diệu.

“Trong chiến tranh đánh thắng Pháp, Mỹ, nhiều người nói về lòng dũng cảm, nhưng thực ra, đó là thông minh, là trí tuệ. Nhờ thông minh, trí tuệ trong đánh giặc, nhờ niềm tin và sự đoàn kết, chúng ta giành được độc lập tự do. Nhưng chúng ta lại không thông minh trong làm kinh tế, mà kinh tế thì khó khăn làm sao bằng trong chiến tranh được? Do vậy, phải hợp lực và coi đó là cơ hội để đất nước thay đổi. Nếu không thay đổi, vị thế đất nước sẽ rất khó”, ông Lê Doãn Hợp trăn trở.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, phát triển kinh tế phải gắn với văn hoá- môi trường. Trong đó, văn hoá cũng phải đảm bảo 3 trụ cột: văn hoá gia đình là nền tảng xã hội; văn hoá doanh nghiệp làm nền tảng kinh tế; văn hoá công sở và đạo đức công vụ là nền tảng chính trị. Nếu chúng ta lo được tốt 3 trụ cột này thì dứt khoát, kinh tế sẽ phát triển bền vững.

Ông ví von: “Đến một ngôi nhà chưa giàu mà sạch, người ta vẫn kính nể; đến một ngôi nhà giàu mà luộm thuộm, người ta vẫn xem thường; còn đến một ngôi nhà vừa giàu, vừa sạch, vừa sang thì đó chính là kinh tế bền vững. Chúng ta đi lên từ nền tảng như thế thì mới vững chắc”.

Trong suốt 50 phút thảo luận tại bàn tròn trực tuyến, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông còn dẫn nhiều bài học sâu sắc mà cá nhân ông chiêm nghiệm về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Khép lại chương trình, người con quê Bác đúc rút rằng: “Lúc này, nghĩ đến Bác, nên làm 3 việc: Một là thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác ở tầm gọn nhất, ngắn nhất để nhớ mà làm. Hai là học Bác ở việc chọn nhân tài. Ba là học Bác tập hợp nhân tài, tập hợp nhân dân để làm. Khi có mục tiêu rõ rồi, chúng ta lại đoàn kết nữa, lại hợp lực nữa thì chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh không thể đo đếm được”.

“Chúng ta học Bác cần học ba thứ đó. Đến ngày sinh của Bác, mỗi năm, chúng ta cần lọc lại những cái cơ bản nhất trong tư tưởng của Bác, phù hợp với thời điểm này để học và làm. Chúng ta càng quý Bác bao nhiêu, càng học Bác bao nhiêu, càng thấm nhuần tư tưởng của Bác bao nhiêu thì chắc chắn, chúng ta tập hợp lực lượng tốt bấy nhiêu và giành thắng lợi vẻ vang bấy nhiêu”, ông Lê Doãn Hợp nói.

Phạm Huyền

Mọi bài viết trao đổi sâu xin gửi về email của chương trình: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments