Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
HomeTIN TỨCVH-TTMột kênh tham khảo về nghệ thuật truyền thống

Một kênh tham khảo về nghệ thuật truyền thống

QĐND – Với mong muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống tới cộng đồng, một nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên đã thành lập và phát triển hiệu quả Dự án “Trường ca kịch viện”.

Tái hiện dấu chân Người trên hành trình cứu nước bằng âm nhạc

Truy cập vào website truongcakichvien.com, chúng tôi có được những thông tin hữu ích về nguồn gốc, làn điệu, kỹ thuật, ý nghĩa của các loại hình hát văn, chèo, cải lương, quan họ… Bạn Bùi Yến Linh, sinh năm 1999, Trưởng ban tổ chức của “Trường ca kịch viện” cho biết: “Dự án này được thành lập vào năm 2019 bởi bạn Nguyễn Hữu Dương, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. “Ca kịch” trong tên gọi dự án là kịch và ca hát, gắn với chữ “trường” thể hiện tính trường tồn của nghệ thuật truyền thống dân tộc. “Viện” có thể hiểu là một “học viện” hay “viện bảo tàng” nhằm giáo dục, sưu tầm và trưng bày những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Chúng tôi muốn xây dựng “Trường ca kịch viện” như một “bảo tàng” về nghệ thuật sân khấu nước nhà để công chúng tìm hiểu”.

Một kênh tham khảo về nghệ thuật truyền thống
 Các thành viên chủ chốt của dự án “Trường ca kịch viện”.

Điều ấn tượng của “Trường ca kịch viện” là dự án này được vận hành bởi những thành viên trẻ tuổi. Hiện tại, đội ngũ của dự án là một nhóm gần 30 học sinh, sinh viên trên khắp cả nước, được chia thành 5 phân ban chính: Nội dung-nghiên cứu, truyền thông, nhân sự, thiết kế, tài chính. Tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu truyền thống là điều khó khăn với ngay cả những người trưởng thành, còn với những người trẻ tuổi thì quả là một thách thức lớn. Bạn Bùi Yến Linh cho hay: “Khó khăn lớn nhất đối với dự án là việc tìm kiếm tư liệu, thông tin và bảo đảm độ chính xác. Có các loại hình gần như không có ghi chép, hay có loại hình liên quan tới những vấn đề nhạy cảm như tín ngưỡng, tôn giáo, bởi vậy, chúng tôi thường xuyên phải xin ý kiến của các chuyên gia là những nghệ sĩ gạo cội”.

Theo tìm hiểu được biết, trong gần 3 năm hoạt động, “Trường ca kịch viện” nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng. Cụ thể, fanpage của dự án hiện có gần 6.000 lượt theo dõi và hơn 100.000 lượt truy cập website. “Trường ca kịch viện” đã xây dựng một kho thông tin có nội dung đa dạng, mang tính chất từ thông tin đến phân tích. Về mặt sự kiện, “Trường ca kịch viện” đã tổ chức một buổi triển lãm-chiếu phim nhỏ với Dự án “Gây quỹ trẻ em Espelune và đồng tổ chức chuỗi Tọa đàm “Sống với văn hóa dân gian” trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021. Giữa tháng 4-2022, “Trường ca kịch viện” đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện trưng bày “Bắc nhịp tang bồng” nhằm tôn vinh sự hiện diện của biểu diễn nghệ thuật truyền thống qua gần 100 tác phẩm nghệ thuật thị giác đến từ hơn 25 nghệ sĩ.

Thời gian qua, các thành viên của “Trường ca kịch viện” đang lên kế hoạch cho một chuỗi sự kiện với đa dạng hình thức như triển lãm, công chiếu phim hướng tới tôn vinh sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống thông qua các tác phẩm mang hơi thở hiện đại. Đánh giá về Dự án “Trường ca kịch viện”, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Tôi rất trông chờ trong thời gian tới, “Trường ca kịch viện” sẽ tổ chức thêm được nhiều sự kiện hấp dẫn nhằm bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống. Theo tôi, cái cần là các thành viên của dự án hành động thế nào để những giá trị truyền thống ấy tiếp cận và tác động được đến giới trẻ. Đồng thời, “Trường ca kịch viện” đóng góp được gì cho chính các loại hình ấy thông qua những phương thức hoạt động, quan điểm của mình”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

TIN MỚI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN

Recent Comments